Đào hồng tứ vật thang- Phương thuốc hoạt huyết hoá ứ hiệu quả

Gần đây, chứng huyết ứ của Y học cổ truyền đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt của nhiều nhà Y dược học trong và ngoài nước. Bởi trên thực tế lâm sàng, có rất nhiều bệnh lý thuộc các chuyên khoa khác nhau khi sử dụng những vị thuốc, bài thuốc có công dụng hoạt huyết hoá ứ đã thu được hiệu quả trị liệu rất đáng khích lệ. Đặc biệt là các bệnh lý mạch não, mạch vành và mạch máu ngoại vi. Có rất nhiều vị thuốc, bài thuốc của Y học cổ truyền dùng để phòng chống chứng huyết ứ đã được khảo sát và ứng dụng. Trong đó, Đào hồng tứ vật thang là một trong những phương thuốc hoạt huyết hoá ứ điển hình.

Nguồn gốc và thành phần

Đào hồng tứ vật thang có nguồn gốc từ cổ phương bổ huyết kinh điển Tứ vật thang gia thêm hai vị có công dụng hoạt huyết là Đào nhân và Hồng hoa, được ghi lại sớm nhất trong sách Y tông kim giám vào đời nhà Thanh (Trung Quốc) do hai danh y Ngô Khiêm và Lưu Dụ Phong biên soạn. 
Thành phần bài thuốc gồm 6 vị: Thục địa, Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Đào nhân và Hồng hoa. Để tăng tác dụng hoạt huyết dùng Xích thược thay Bạch thược, nếu huyết nhiệt dùng Sinh địa thay Thục địa. Bài thuốc thường dùng dưới dạng sắc uống.

Công dụng và chủ trị

Dưỡng huyết, hoạt huyết, hoá ứ; phương thuốc được cổ nhân dùng để chữa các bệnh lý có chứng huyết ứ, đặc biệt trong trường hợp huyết ứ gây rối loạn kinh nguyệt, sắc kinh tía sẫm, dính, có huyết cục hoặc bế kinh, thống kinh; sản hậu huyết hư ứ trệ, bụng trướng đau, tổn thương do trật đả gây ứ huyết, tụ huyết…

Hiện nay, dựa trên nguyên tắc “biện chứng luận trị” của Y học cổ truyền và kết quả nghiên cứu của Y học hiện đại, người ta ứng dụng Đào hồng tứ vật thang trị liệu rất nhiều bệnh thuộc các chuyên khoa khác nhau như: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, block nhĩ thất độ II, tâm phế mạn, migren, nhồi máu não, xuất huyết não, viêm dây thần kinh do đái đường, động kinh, tâm thần phân liệt, đau lưng cấp, viêm tràn dịch máu khớp gối, táo bón dai dẳng, đa hồng cầu, viêm ruột thừa, viêm tắc động tĩnh mạch, vết thương ứ huyết, tổn thương đụng giập phần mềm, tắc mạch sau phẫu thuật, u phì đại tiền liệt tuyến lành tính, rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo, vô sinh do tắc vòi trứng, sẩy thai nhân tạo, đau bụng sau thủ thuật thắt cắt vòi trứng, chứng tinh dịch không hoá lỏng, xuất huyết tiền phòng, viêm võng mạc trung tâm, teo thần kinh thị giác, viêm kết mạc cấp tính, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, xuất huyết do dị ứng, liken phẳng, chai chân, trứng cá đỏ…

Tác dụng dược lý

Theo dược lý học cổ truyền, trong bài Tứ vật thang có công dụng bổ huyết điều kinh: Đào nhân vị đắng, tính bình, có công dụng hoạt huyết hoá ứ, nhuận tràng thông tiện; Hồng hoa vị cay, tính ấm, có công dụng hoạt huyết hoá ứ, thông kinh hoạt lạc.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, Đào nhân có tác dụng làm giãn mạch máu, ức chế ngưng tập tiểu cầu và chống đông máu, chống viêm, giảm đau, chống quá mẫn, bảo hộ tế bào gan, nhuận tràng, giảm ho, kháng ung. Hồng hoa tăng cường sức co bóp cơ tim, làm giãn mạch máu, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành tim, bảo hộ tế bào cơ tim trong điều kiện thiếu oxy, chống thiếu máu và hoại tử cơ tim, ức chế ngưng tập tiểu cầu và chống đông máu, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, bảo hộ tế bào não trong điều kiện thiếu oxy, chống viêm, giảm đau, trấn tĩnh, bảo hộ tế bào gan. Xuyên khung cải thiện tuần hoàn động mạch vành tim, chống thiếu máu cơ tim, hạ huyết áp, chống ngưng tập tiểu cầu và đông máu, cải thiện vi tuần hoàn, tăng lưu lượng tuần hoàn não, chống viêm, giảm đau, trấn tĩnh, kháng khuẩn và vi rút, kháng ung và chống phóng xạ. Đương quy làm giãn động mạch vành, chống thiếu máu cơ tim và rối loạn nhịp tim, ức chế ngưng tập tiểu cầu và chống đông máu, kích thích tạo huyết, tăng cường miễn dịch, bảo hộ tế bào gan và thận, giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn, kháng ung, chống phóng xạ và oxy hoá. Thục địa bổ huyết, cầm máu, bảo hộ tế bào cơ tim, chống oxy hoá và lão hoá, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và đường máu, cải thiện miễn dịch và chống ung thư. Xích thược làm giãn và tăng lưu lượng tuần hoàn động mạch vành, chống vữa xơ động mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu, bảo hộ tế bào gan, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu oxy, kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau…

Các vị thuốc phối hợp chặt chẽ với nhau tạo nên công dụng vừa dưỡng huyết vừa hoạt huyết hoá ứ của bài thuốc. Trong đó, nổi bật là tác dụng làm giãn mạch máu, giảm sức cản thành mạch, ức chế ngưng tập tiểu cầu và chống hình thành huyết khối, từ đó cải thiện tình trạng vi tuần hoàn, làm tăng lưu lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan, đặc biệt là tim và não, phòng chống tích cực tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, tuần hoàn vành và tuần hoàn ngoại vi. Ngoài ra, còn có tác dụng chống viêm, giảm đau, trấn tĩnh và kháng ung.

Với phụ nữ, ngoài tác dụng điều hòa kinh nguyệt, bài thuốc Đào hồng tứ vật thang còn đem đến tác dụng làm đẹp hiệu quả vì khi tăng lưu thông khí huyết, tăng lượng máu đến da sẽ giúp ngăn chặn và loại bỏ các vết sạm nám, nhăn da do huyết ứ, đồng thời giúp da dẻ luôn hồng nhuận.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ.Hoàng Khánh Toàn (CTQ số 84)

Tin cùng chuyên mục

Khám phá bí mật để trở nên đẹp như hoa hậu của phụ nữ nội trợ

17 thg 05, 2017

 Masako Mizutani - sinh năm 1968. Mọi thứ bắt đầu từ một...

Phiên hồng hoa và câu chuyện về người phụ nữ Tây Tạng

17 thg 10, 2018

Người Tây Tạng dùng hồng hoa để chế các loại thuốc...

Khám phá tác dụng của tinh chất mầm đậu nành

17 thg 10, 2018

Đậu nành là 1 loại thực phẩm rất quen thuộc từ xa xưa, nhiều tài liệu cho thấy đậu...

Video